Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

CÁC LOẠI HUNG KHÍ CƠ BẢN CẦN BIẾT

“Mọi thứ dùng để gây án đều được gọi là hung khí”




Phàm là người sống trên đời ai chả có lúc nóng giận, bởi anh em bạn bè đôi lúc cũng thù hằn khích bác chê bai nhau, bà con xóm làng đôi khi cũng ghen ghét tị nạnh xách mé nhau, đồng nghiệp đồng chí đôi lần ganh đua cạnh khóe trù úm nhau, thế nên “Đã sống là phải chấp nhận có lúc… đánh nhau”, nhẹ thì u đầu vỡ trán, bong gân chân tay, nặng thì lủng ruột, thủng gan, tan hoang phèo phổi.



...Sau đây, xin giới thiệu một vài loại hung khí cơ bản và hướng dẫn cách sử dụng, chờ một ngày nắng đẹp biết đâu sẽ rất có ích.



1) Đòn gánh:



Là một cây đòn dài chừng 1m2, dùng để gánh 2 đầu. Hung khí này bằng tre nên vừa mộc mạc vừa đậm đà bản sắc dân tộc, rất thích hợp khi đang ăn đậu hũ, chè gánh ... mà cãi lộn. Sử dụng đơn giản bằng cách bổ thẳng xuống đầu hoặc quất ngang hông. Hiệu quả bất ngờ. Đối thủ trúng “phong đòn gánh” sẽ giựt giựt sùi bọt mép. Loại này không cần mượn trước nhưng khi sử dụng xong nhớ trả lại để người ta còn có cái mà gánh bán.



2) Dao Thái:



Là loại dao nhỏ có cán màu vàng công dụng ban đầu dùng gọt hoa quả. Về sau được nghiên cứu cải tiến để đâm nhau. Ra chợ mua loại dao này 10 cái trở lên chỉ cần chửi thề chê mắc hoặc làm mặt lạnh chút xíu là được giảm giá 20%. Là hàng ngoại nên rất được ưa chuộng. Tuy ngoại nhưng giá thành rẻ mà hiệu quả cao. Kín đáo, có thể nhét lưng quần, khi thèm vẫn có thể gọt xoài me cóc ổi ăn ngụy trang. Loại này kỵ đâm ở cổ vì dễ làm đứt động mạch chủ. Tốt nhất là nên đâm ở phía dưới bụng trái chếch về hông, tuy máu me nhưng chỉ đứt sơ vài đoạn ruột không đáng kể. Khi đâm nhớ lút cán rồi lách nhẹ sang bên cho nó đau. Nếu dao gãy làm đôi nghĩa là đã đâm trúng xương sườn, khi đó nhớ xin lỗi rồi nhảy lên xe dọt lẹ, đừng quên cầm theo cán dao tránh vứt dao để lộ dấu vân tay khó chối cãi khi ra tòa sau này.



3) Kiếm Nhật:



Là loại kiếm làm từ thép nung có độ dài từ 0m7 đến 1.2m tùy loại. Dùng để treo tường hoặc cạo râu. Dễ làm nhái nên có thể gọi là Kiếm Trung Quốc. Nếu mua ở Móng Cái thì triệu rưỡi một cây khuyến mãi bỏ vô cốp xe hơi không bao đường về Nam. Mua xong nhờ thợ làm ơn khắc dùm chữ “Kiếm” ở chuôi, chứ không mấy thầy chú lại cãi bay biến chả phải kiếm thì khổ. Loại này chủ yếu dùng để hù thiên hạ. Khi sử dụng nhớ mặc kèm áo tứ thân, xõa tóc dài, nhuộm trắng lông mày, đừng quên đánh môi thâm xì cho thêm phần rùng rợn, thừa cơ đối thủ đang phân vân giữa võ hiệp Hồng Kông với dã sử Trung Quốc nhào đại vô là chắc thắng. Tránh dùng ở sân bay, có thể làm thân bại danh liệt. Ai đam mê nghệ thuật thứ 2 (múa) thì khăn gói xuống Bình Dương hỏi thầy Minh vừa mở lò riêng học vài chiêu.



4) Mã tấu:



Loại này hình thù vô vàn, thể hiện ý chí sáng tạo không giới hạn của giới thợ rèn, chất liệu cũng phóng khoáng, làm bằng thép cũng được mà bằng tôn cũng xong, miễn là khi phóng bay bay ngoài phố, hai tay hai thanh thả lê xuống đường nháng nháng lửa là được. Tiêu chuẩn ra lò cũng đơn giản: cái nào chém được thì gọi là mã tấu. Mã tấu có vô số kiểu để lựa chọn, dài có, ngắn có, cá biệt có cái dài gần mét rưỡi dùng để đánh trận lớn phải hai người vác. Đụng trận cứ vô tư chém tá lả, chém xối xả, chém tơi tả… nói chung là chém cho... đã, vì kinh nghiệm cho thấy chưa có ai chết. Nếu không may có người chết thì có thể đó là lần đầu tiên. Loại này cách đây chục năm rất thịnh hành. Ngày nay ít được ưa chuộng bởi bị chê là kém hiệu quả, chém hoài hổng chết dễ gây nản, tuy nhiên nó vẫn có sức cuốn hút nhất định đối với giới trẻ. Bạn có thể thể hiện cá tính tuổi teen của mình bằng cách dán đề can Chuột Mickey, hình Pikachu, Pokemon hay nam diễn viên kiêm ca sỹ Trần Quán Hy lên hai mặt của thanh mã tấu mà không sợ làm giảm tính năng sử dụng của nó.



5) Đao:



Là loại vũ khí đồ cổ nên giờ kiếm hơi khó. Dài gần 2m. Rất nặng. Thanh to bản. Loại này dùng cho người to khỏe bởi nặng gần 10kg mà phải cầm một tay mới oai, sức khỏe yếu có thể vừa kẹp nách vừa thở. Đánh nhau nặng nề, âm thanh chát chúa. Sử dụng loại này tuyệt đối không hát hay nói to vì dễ lầm tưởng đang diễn tuồng cải lương. Tránh chém mạnh tay văng mất đầu khó kiếm. Máu phun có vòi nên hiện trường trông hơi kinh. Được cái lên tivi nhanh, chiều chém nhau xong là tối có thể coi được. Sau thời gian bị thất truyền, ngày nay Đao đang có xu hướng trở lại bởi tính hoành tráng của nó, nhất là khi nhà nước cho nhập xe phân khối lớn. Một tay cầm đao, một tay cầm lái được dự báo sẽ là hình ảnh giang hồ vài ba năm nữa thay thế hình ảnh truyền thống cưỡi ngựa cầm đao cách đây vài thế kỷ.Con nít muốn đánh nhau có thể dùng loại đặc thù bằng nhựa do Trung Quốc sản xuất. Do dài nên cần cẩn thận khi huơ, chú ý những người hiếu kỳ xung quanh, tránh tình trạng bớt bạn thêm thù có duyên cớ.



6) Dây nịt:



Loại này gây u đầu, tét mắt nhờ cái cục bằng sắt nằm dưới lỗ rốn. Phù hợp với giới doanh nhân hay cán bộ công chức bởi tính lịch sự. Nhớ chọn loại nịt da cá sấu của những hãng đắt tiền để tăng thêm phần sang trọng. Loại này công dụng chính không phải để chống cự mà để chống... sợ hãi là chủ yếu. Đứng đối diện đối thủ, cầm quay quay theo chiều kim đồng hồ nếu muốn tét đầu ( muốn tét cằm thì quay chiều ngược lại). Tạng người gầy mặc quần rộng khi xuất chiêu coi chừng tuột quần gây ảnh hưởng đến nét mỹ quan nơi đụng độ. Chú ý nếu lúc đang quay mà thấy nhẹ tay thì có nghĩa là cái cục sắt đã văng mất. Lúc này nên nhanh trí kiếm cái đòn dông hay xà nhà móc dây nịt lên rồi thò cổ vào bởi ...đằng nào cũng chết, thà trước khi chết lè lưỡi chọc quê đối thủ chơi. Ai chịu nhục được thì lăn đùng giả chết hoặc trơ tráo quỳ lạy xin thua và không quên hẹn … mai đánh tiếp (nhớ đặt tiền thế chân chứ nó không cho về đâu!)



7) Guốc:



Vật dụng thời trang chuyên dùng của chị em nhưng đa năng không kém. Càng lùn tính sát thương càng cao. Có thể bọc sắt thêm dưới gót để tăng cường âm thanh lộp cộp cho nó hi-fi, vừa hù dọa đối thủ vừa được tiếng côn đồ đanh đá. Rất được ưa chuộng bởi phụ nữ đánh ghen. Gõ thật mạnh vào mỏ ác tình địch kết hợp với giật tóc mai, mồm vừa chửi sa sả vừa la làng là phương pháp rẻ tiền nhất để bảo vệ hạnh phúc gia đình.



8) Dao bầu:



Là loại dao to, mũi nhọn, phần giữa phình ra nên gọi là dao bầu để phân biệt với dao phay to nhưng lưỡi mỏng và dao quắm dài nhưng lưỡi cong, đâm rất dễ nên thường có vị ngọt. Ai thích ăn tiết canh nên sử dụng loại dao này vì lướt nhẹ nhưng máu vẫn ra nhiều. Có thể xuyên thấu lưng nếu nỗ lực. Trúng đòn này nạn nhân khỏi cần đến bệnh viện, gia đình chỉ cần đi coi thầy chọn ngày giờ cho tốt là được. Chém từ bả vai xuống một góc 45 độ có thể làm đứt tay theo đúng nghĩa đen. Muốn đứt gân vai thìchém lén từ sau tới, tuy nhiên,cách này nên hạn chế vì sẽ làm trầm trọng thêm dịch chim xệ cánh, xơ hóa cơ Delta mà y học nước nhà đang đau đầu. Con gái chưa chồng kiêng sử dụng.



9) Mũ bảo hiểm:



Có hình thù giống cái đầu lâu, làm bằng nhựa, trong bọc xốp. Là loại hung khí duy nhất được chính quyền khuyến khích sử dụng. Sản phẩm mang tính công thủ toàn diện. Rất phù hợp với tầng lớp trung lưu chuyên trị các loại xe máy. Đập mạnh vào thái dương ngồi chờ tụ máu là cách dùng thông dụng. Tuy nhiên, hiệu quả nhất dù hơi tốn kém vẫn là đập thật mạnh vào phía sau ót. Ai sử dụng cách này nhớ đưa thẳng nạn nhân đi chụp hình citi càng sớm càng tốt. Có điều khi đập đầu lẫn nhau cần đề phòng mũ mình làm bằng nhựa tái sinh, trong khi mũ đối thủ bằng nhựa cứng có dán tem kiểm định chất lượng, kết quả ngược lại thì khổ.



Trên đây là 9 loại hung khí cơ bản. Nếu “nâng cao” sẽ có nhiều loại nữa tuy ít thông dụng nhưng hiệu quả không kém như rựa, dao găm, dao cau, dao bấm, lưỡi lê, xẻng, cuốc, súng, cung, nỏ, ná..., nước đá cũng có thể là hung khí (đẽo cục nước đá cho nhọn nhọn, đâm một nhát), thậm chí cái … lai quần cũng là hung khí nếu thực hiện đúng phương châm: “ còn cái lai quần cũng đánh ! ”.



Đánh nhau là chuyện dài dòng không thể kể một sớm một chiều, ít ra phải một sớm, một chiều và… một đêm nữa (tổng cộng là một ngày) may ra mới hết. Cuối cùng, vài lời khuyên cho bạn: Đánh nhau có thể thắng, có thể hòa, có thể bại, miễn đừng bao giờ là... người bị hại, và tuyệt đối, đừng bao giờ bỏ chạy, bỏ chạy là hết chuyện…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét